SÔNG HƯƠNG – DÒNG SÔNG DI SẢN
Khi nói về Huế, không thể không nhắc đến sông Hương, con sông đóng vai trò cốt yếu trong việc kiến tạo cảnh quan xứ Huế, làm nên vẻ đẹp Huế và bản sắc văn hoá cố đô. Sông Hương là dòng sông gắn liền với những sử tích con người và các nền văn hóa cổ xưa. Di sản văn hóa của tiền nhân không chỉ được lưu giữ ở hai bên bờ sông Hương, mà còn là những trầm tích văn hoá hàng ngàn năm tuổi ẩn chứa trong lòng sông và dưới đáy sông. Trầm tích văn hóa chiếm số lượng nhiều nhất là gốm sứ cổ đại diện cho những nền văn hóa của những tộc người từng cư trú trên mảnh đất này, trải qua các thời kỳ lịch sử: Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Champa – Đại Việt (Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế), v.v.
Đáy sông Hương còn chứa vô vàn gốm sứ cổ: từ gốm Sa Huỳnh hơn 2.000 năm tuổi; gốm Champa; gốm Đại Việt các thời Lý – Trần – Lê sơ – Mạc – Lê Trung hưng – Nguyễn; gốm Trung Quốc thời Hán, thời Đường, cho đến đồ sứ thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, gốm Hizen Nhật Bản. Dòng sông lưu giữ hàng vạn hiện vật, là những di sản mà tiền nhân đã vô tình hay cố ý “thủy táng” trong dòng sông này, để hậu thế có cơ hội khám phá, khai quật và bảo tồn. Đó không chỉ là di sản văn hóa của thời quá khứ, mà còn chứng minh rằng: thuở trước, Huế từng là một trung tâm giao thương nhộn nhịp của khu vực, với những mối liên kết thương mại giữa nội vùng và quốc tế.
Trưng bày “Sông Hương – Dòng sông di sản” giới thiệu gần 3.000 hiện vật gốm cổ có niên đại từ thời tiền – sơ sử đến lịch sử nhằm phác hoạ bức tranh lịch sử văn hoá của vùng đất Thừa Thiên Huế và vị trí đặc biệt quan trọng của sông Hương đối với đời sống văn hóa, tâm linh cũng như sự phát triển của cố đô Huế từ xưa đến nay. Mỗi hiện vật gốm cổ dưới đáy sông Hương đều là một thông điệp, chìa khoá để giải mã các nền văn hoá khác nhau đã từng hiện diện trên vùng đất này.